Theo Nghị quyết 27/NQ-TW, mục tiêu tổng quát của cải cách chính sách tiền lương là: Xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động hội nhập quốc tế, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình người hưởng lương, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Cùng với đó quan điểm chỉ đạo được nêu trong Nghị quyết 27/NQ-TW đối với khu vực công là: Nhà nước trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động; thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng theo năng suất lao động, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng ban Chính sách – pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, việc giữ chân và thu hút nhân tài vào khu vực công cũng không ngoài mục tiêu tổng quát trên. Nguồn nhân lực luôn được coi là yếu tố cốt lõi của sự thành công của bất kỳ tổ chức nào, dù là khu vực công hay tư nhân.
Tuy nhiên, theo ông Quảng, bên cạnh cải cách chính sách tiền lương thì các yếu tố như môi trường sống, môi trường làm việc, các cơ hội phát triển, nhu cầu cống hiến và sự công nhận… là những yếu tố quan trọng không kém để thu hút, giữ chân nhân tài. Đây là những điều phải thực sự được quan tâm.
“Việc tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức theo vị trí việc làm sẽ góp phần tập trung nguồn lực để thúc đẩy thực hiện cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức theo hướng tăng thu nhập, và trả lương đúng với năng lực, vị trí việc làm…” – ông Quảng bình luận.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ vào tháng 7.2023 tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2023, từ đầu năm 2020 đến giữa 2022, toàn quốc có 39.500 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư (trong đó có hơn 4.000 công chức và hơn 35.000 viên chức). Tỷ lệ công chức, viên chức nghỉ việc ở cấp Trung ương là 18% và ở cấp địa phương 82%. Trung bình số người thôi việc mỗi năm 15.800 người (chiếm 0,8% tổng số biên chế), tập trung nhiều nhất là hai ngành giáo dục và y tế.
Chỉ tính riêng trong năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc. Bình quân cứ 100 nhà giáo thì 1 người ra khỏi ngành giáo dục. Lĩnh vực y tế đã có gần 10.000 nhân viên tại các cơ sở công lập chuyển sang tư nhân từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6.2022. Từ đầu năm 2020 đến giữa 2022, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận gần 6.200 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc.