Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam là chương trình thường niên do Forbes Việt Nam thực hiện nhằm tôn vinh các công ty có hoạt động kinh doanh tốt nhất theo từng lĩnh vực, có cổ phiếu đang được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) và Hà Nội (HNX). Tiêu chí để bình xét bao gồm: Tỷ lệ tăng trưởng kép về doanh thu - lợi nhuận; tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE); lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROC); tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) giai đoạn 2016 – 2021; vị thế công ty trong ngành; nguồn gốc lợi nhuận; chất lượng quản trị; triển vọng phát triển, phát triển bền vững…
Giữ vững vị thế 10 năm liên tiếp ghi dấu ấn tại Top công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, Masan ghi dấu ấn là một tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu và tiêu biểu của Việt Nam bởi những chiến lược phát triển và dẫn đầu trong chuyển đổi số, chuyển mình thành công trở thành Tập đoàn Tiêu dùng - Công nghệ.
Tham gia phiên thảo luận với chủ đề “Phát triển nền kinh tế số” trong Diễn đàn kinh doanh, ông Danny Le – Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan đã chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp về cách thức Masan chuyển đổi mô hình kinh doanh, dựa trên sức mạnh của công nghệ. Ông cho biết, Masan đang tập trung thực hiện 3 hoạt động chủ đạo. Một là cung cấp dịch vụ tín dụng cho đại đa số người tiêu dùng phổ thông thông qua việc ứng dụng công nghệ của Trusting Social. Hai là ứng dụng AI và ML để hiểu được khách hàng và mang đến ưu đãi riêng, được tùy biến dựa trên lịch sử mua hàng của từng cá nhân. Và ba là tạo nên một nền tảng nhân sự mới để liên tục hướng dẫn, đào tạo, tương tác và trao quyền cho nhân viên bởi Masan tin rằng con người chinh là nền tảng của hoạt động kinh doanh.
“Masan sẽ không trở thành một công ty công nghệ như Google mà sẽ vận dụng công nghệ để giải quyết các nhu cầu lớn chưa được đáp ứng và mang lại lợi ích vượt trội, phụng sự người tiêu dùng,” ông Danny Le khẳng định.
Ngoài được vinh danh Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2022, Masan cũng được ghi nhận trong Top 10 của Bảng xếp hạng Top 50 công ty đại chúng uy tín và hiệu quả năm 2022 (VIX50) do Vietnam Report thực hiện.
Những con số ấn tượng 6 tháng đầu năm 2022
Theo Kantar Worldpanel, hơn 1/3 số hộ gia đình Việt Nam đã chọn mua hàng tại các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi. Còn theo Nielsen, tốc độ mở cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam đã tăng 200% mỗi năm. Trong tương lai, với nhiều tiện ích vượt trội, kênh bán hàng này được dự báo sẽ chiếm ưu thế trong cuộc đua bán lẻ hiện đại.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 của tập đoàn, sáu tháng đầu năm, The CrownX, nền tảng tiêu dùng - bán lẻ tích hợp 2 mảng lớn là WinCommerce và Masan Consumer Holdings (MCH), tiếp tục là đơn vị dẫn đầu của Tập đoàn Masan với doanh thu thuần đạt 26.092 tỉ đồng. Riêng khối cửa hàng bán lẻ WinMart+ đạt doanh thu 9.528 tỉ đồng; doanh thu của WinMart là 4.708 tỉ đồng…
Chuỗi siêu thị vẫn tiếp tục mở rộng quy mô khi khai trương 5 siêu thị WinMart và 301 siêu thị mini WinMart+, nâng tổng số siêu thị WinMart lên 127 và WinMart+ lên 2.873 điểm bán. Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu hệ thống này đạt 14.305 tỉ đồng, giảm 1,1% nhưng lợi nhuận trước thuế, lãi và khấu hao đạt 315 tỉ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo kế hoạch, WinCommerce đặt mục tiêu mở 800 cửa hàng mới trong nửa cuối năm 2022, trong đó có hơn 100 cửa hàng nhượng quyền.
Ở mảng tiêu dùng, hầu hết các ngành hàng chủ lực của Masan đều tăng trưởng mạnh mẽ như thịt chế biến, cà phê và bia, với mức tăng lần lượt là 57,8%, 33,1% và 19,3%.
Riêng chuỗi cà phê, trà Phúc Long trong nửa đầu năm 2022, ghi nhận doanh thu 820 tỉ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước và lãi trước thuế đạt 117 tỉ đồng, giảm so với cùng kỳ năm trước do gia tăng đầu tư vào mở rộng quy mô chuỗi kiosk hiện vẫn cần thời gian để tối ưu hoạt động…
Masan High-Tech Materials (MHT) đạt doanh thu thuần 8.123 tỷ đồng và EBITDA đạt 1.822 tỷ đồng trong 6T2022, tăng trưởng lần lượt 33% và 52,6% so với cùng kỳ năm trước nhờ giá hàng hóa tăng và nhu cầu vật liệu công nghiệp gia tăng.
Luôn luôn hướng đến trách nhiệm cộng đồng
Nhận thức sâu sắc vai trò và trách nhiệm của mình đối với cộng đồng, Masan xem phát triển bền vững là chiến lược để mang đến những đóng góp ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Tập đoàn đang thực hiện các chuẩn mực quốc tế về phát triển bền vững như BRC, GlobalG.A.P, sáng kiến tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu tái chế, xử lý nước… trong hoạt động kinh doanh hàng ngày. Tính riêng trong năm 2021 vừa qua, Masan đã đóng góp hơn 5.450 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Từ năm 2021 đến nay, Tập đoàn tiếp tục dành ngân sách 500 tỷ đồng cho hoạt động phòng chống COVID-19, hoạt động an sinh xã hội và hỗ trợ phát triển cộng đồng. Mới đây nhất, 1000 người dân tại Bình Thuận và Kiên Giang đã được Masan tài trợ kinh phí mổ mắt.