Năm 2010, chị Lưu Thị Xinh về làm công nhân tại Công ty TNHH ILO Thompson. Đến nay, chị Xinh đang là Tổ trưởng Bộ phận kiểm tra xưởng 3, quản lý hơn 40 công nhân. Số giải pháp, sáng kiến chị đóng góp cho công ty cũng nhân lên theo từng năm. Riêng năm 2022, chị Xinh có sáng kiến cải tiến giảm thời gian công đoạn kiểm tra thành phẩm mang lại hiệu quả kinh tế hơn 200 triệu đồng.
Theo chị Xinh, tại phòng Kiểm tra Xưởng 3, dây chuyền sản xuất còn phụ thuộc chủ yếu vào thao tác con người, quy trình kiểm tra sản phẩm có phát sinh các thao tác kiểm tra trùng lặp giữa các công đoạn, các bước thực hiện chưa tối ưu, làm ảnh hưởng đến công đoạn sau, làm chậm tiến độ giao hàng, gây tổn thất trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp.
Ngoài ra, một số thao tác thủ công làm phát sinh lỗi, ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
“Phân tích thử 1 thao tác, có thể thấy rằng, thời gian không tạo ra giá trị gia tăng chiếm 80% thời gia trong thao tác. Nếu không giảm được thời gian lãng phí này thì khó có thể tăng hiệu suất công việc được” - chị Xinh cho biết.
Từ những phân tích trên, chị Xinh tiến hành phân tích hiện trạng, loại bỏ thao tác kiểm tra trùng lặp, cải tiến các bước thực hiện để giảm thời gian thao tác.
Cụ thể, chị Xinh giảm số lần kiểm tra thông tin phiếu xuất kho shiru từ 11 công đoạn xuống 1 công đoạn; giảm số lần kiểm tra số lượng sản phẩm của đơn hàng từ 20 lần tại 10 công đoạn xuống 6 lần tại 6 công đoạn; giảm số lần kiểm tra lỗi xước của các mã hàng sau xử lý bề mặt từ 9 công đoạn xuống 4 công đoạn; giảm số lần xác nhận dữ liệu đo cấp độ từ 3 công đoạn xuống 2 công đoạn. Cùng với đó, loại bỏ việc xác nhận ký hiệu - trên mameefu đối với mã hàng có kiểm tra rò khí; loại bỏ việc sử dụng mameefu đối với các mã hàng.
Chị Xinh cũng cải tiến việc xác nhận biểu thành tích, thay đổi việc nhập dữ liệu bằng tay sang cập nhật tự động để tăng độ chính xác cũng như giảm bớt các bước xác nhận trong quá trình sản xuất. Đồng thời, cải tiến thao tác ghi nhận kết quả đo lực cản chuyển động, giảm số lần phải ghi chép lại các thông tin.
Sau khi áp dụng thử nghiệm trên một chuyền sản xuất thì nhìn rõ hiệu suất công việc mang lại, ban giám đốc công ty đồng ý cho áp dụng tương tự trên tất cả các băng chuyền cùng sản xuất. Hệ thống mới giúp cho bộ phận sản xuất kịp tiến độ xuất hàng, lỗi giảm trông thấy.
Hiệu quả từ việc giảm chi phí nhân công trên sản phẩm, chuyển lao động dư thừa sang những dây chuyền khác mang lại giá trị kinh tế hơn 210 triệu đồng/năm cho doanh nghiệp. Với sáng kiến này, chị Xinh lần thứ 2 nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Trước đó, năm 2020, chị Xinh nhận Bằng Lao động sáng tạo với sáng kiến “Chế tạo khay cho hàng xử lý bề mặt, tiết kiệm chi phí đặt mua”, làm lợi cho doanh nghiệp hơn 220 triệu đồng.