Nội dung pháp luật trọng tâm cần tuyên truyền, ngoài chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là nội dung về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cần tập trung xây dựng và tổ chức truyền thông sâu, rộng về quá trình xây dựng dự án Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Đất đai để CNVCLĐ và toàn xã hội hiểu rõ: Sự cần thiết, mục đích, quan điểm, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo luật; nội dung cơ bản, nội dung mới hoặc sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật so với luật hiện hành; các vấn đề khó, vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau… từ đó khuyến khích, huy động các ý kiến tham gia góp ý, phản biện về dự thảo luật của CNVCLĐ và toàn xã hội.

Tuyên truyền, PBGDPL gắn với tuyên truyền về Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Điều lệ Công đoàn, chức năng, nhiệm vụ của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam. Nâng cao chất lượng tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho đoàn viên, NLĐ; thương lượng, đàm phán ký TƯLĐTT; chủ động phối hợp tổ chức đối thoại chính sách pháp luật giữa các cơ quan nhà nước và đoàn viên, NLĐ. Tuyên truyền, phổ biến vận động, khuyến khích đoàn viên, NLĐ tích cực tìm hiểu, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật; xây dựng, triển khai các sáng kiến, mô hình hiệu quả trong hỗ trợ tiếp cận pháp luật và nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của đoàn viên, NLĐ…
Giải pháp thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật gồm: Nâng cao trách nhiệm của thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL của Tổng LĐLĐVN trong triển khai, thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL; củng cố, kiện toàn hệ thống văn phòng, trung tâm, tổ tư vấn pháp luật. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ CĐ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL, tư vấn pháp luật, báo cáo viên pháp luật. Tích cực hưởng ứng và chủ động tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9.11; thời gian cao điểm tổ chức hoạt động và khẩu hiệu tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp…