Nhiều doanh nghiệp không tìm kiếm được đơn hàng buộc phải thu hẹp sản xuất, do đó, việc làm của người lao động bị ảnh hưởng, người lao động ở nhóm ngành gỗ, may mặc, da giày bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Thị xã Tân Uyên là địa phương có nhiều doanh nghiệp ngành gỗ gặp khó khăn nhất. Thời điểm tháng 10.2022, nhiều công nhân bị nghỉ việc kéo dài đã phải trở về quê. Những trường hợp cố gắng bám trụ lại cũng gặp không ít khó khăn.
Anh Trần Lượng (sinh năm 1983, quê Sóc Trăng) cho biết, anh ký hợp đồng với công ty gỗ thời gian làm việc 2 năm. Tuy nhiên công ty hết đơn hàng nên dần dần giảm giờ làm, sau đó là cho nghỉ việc. “Cắt tăng ca, sau đó giảm giờ làm trong ngày, lương chỉ còn chưa tới 5 triệu đồng/tháng. Thời điểm tháng 9.2022, công ty báo không có đơn hàng và cho nghỉ nên phải ở nhà mấy tháng liền. Nhiều người không trụ được, thời điểm đó đã về quê. Tôi may có vợ còn đi làm, nhưng lương cũng chỉ được gần 5 triệu đồng/tháng. Cả gia đình 3 người sống bằng phần lương của vợ’’- anh Trần Lượng chia sẻ.
Anh Huỳnh Văn Phong (43 tuổi, quê An Giang) cho biết, làm việc trong công ty gỗ, công ty hết việc cho nghỉ, phải ở nhà hơn 3 tháng. “Tôi làm ở Bình Dương gần 20 năm nay, lần đầu bị mất việc và thất nghiệp kéo dài như vậy. Vợ tôi vẫn còn việc làm nhưng cũng cầm cự, lương cơ bản mỗi tháng được 5 triệu đồng. Do kinh tế quá khó khăn nên phải gửi con về quê nhờ ông bà phụ giúp” - anh Phong chia sẻ.
Anh Huỳnh Văn Út (35 tuổi, công nhân ngành gỗ) cũng trong hoàn cảnh tương tự. “Tôi làm công ty sản xuất đồ gỗ, tháng 8.2022 công ty hết đơn hàng phải đóng cửa, khiến tôi thất nghiệp. Không còn việc làm, nên có thời gian tôi phải ở nhà giữ con cho vợ đi làm, cầm cự lắm mới qua giai đoạn khó khăn”- anh Út chia sẻ.
Ngày 9.4, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cho biết đang khẩn trương triển khai chính sách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động. Thời gian được tính hỗ trợ từ ngày 1.10.2022 đến hết ngày 31.3.2023, với mức hỗ trợ từ 700.000 đồng tới 3 triệu đồng/người. Liên đoàn lao động tỉnh đã chỉ đạo công đoàn cấp trên cơ sở rà soát và triển khai đến các công đoàn cơ sở hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động làm hồ sơ để hưởng chính sách.
Ông Lê Minh Hoàng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Tân Uyên - cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo, đơn vị đã triển khai đến tất cả các công đoàn cơ sở trên địa bàn. Hiện các doanh nghiệp đã hoàn tất hồ sơ gửi lên, đơn vị cũng đã kiểm tra và gửi hồ sơ lên Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương thẩm định phê duyệt. Tại Tân Uyên có 36 doanh nghiệp với khoảng 8.000 đoàn viên người lao động được đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ của tổ chức Công đoàn. Trong đó có 4.365 lao động giảm giờ làm và ngưng việc, 3.637 lao động bị hoãn hợp đồng và nghỉ việc không lương.
Thị xã Bến Cát cũng là địa phương có nhiều doanh nghiệp bị tác động xấu bởi dịch bệnh và tình hình chung của thế giới. Công đoàn Các Khu công nghiệp Bến Cát đã hướng dẫn các doanh nghiệp, người lao động thực hiện hồ sơ đề nghị hưởng hỗ trợ. Sau đó, đơn vị kiểm duyệt, tập hợp và gửi lên liên đoàn lao động tỉnh để thẩm định phê duyệt.