Để thực hiện mục tiêu phấn đấu GQVL cho hơn 17.000 lao động, trong đó tạo việc làm mới cho 16.000 lao động, đưa 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về lĩnh vực lao động việc làm, thông tin kịp thời tình hình thị trường lao động tới người lao động; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với GQVL; đa dạng hóa các hình thức kết nối cung - cầu lao động, các dịch vụ cung ứng lao động cho doanh nghiệp… nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế xã hội.
Theo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Vĩnh Tường, năm 2022 địa phương đã hỗ trợ tạo việc làm mới cho gần 3.000 lao động và đưa 218 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Để làm được điều này huyện chủ động bám sát nhu cầu thực tế và định hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương để hỗ trợ đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động. Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ GQVL cho người lao động; tăng cường kết nối với các doanh nghiệp trong tuyển chọn, cung ứng lao động; ưu tiên thu hút sử dụng nguồn lao động tại chỗ…
Xác định công tác đào tạo nghề, GQVL là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động tham gia học nghề, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ về việc làm.
Cùng với việc chủ động, tích cực triển khai các cơ chế, chính sách về lao động, việc làm, các cấp, ngành chức năng và các địa phương luôn chú trọng đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho các doanh nghiệp; tuyên truyền về chính sách lao động, việc làm đến người lao động; thông tin kịp thời thị trường để đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…