
Tình hình lao động, việc làm vẫn gặp khó khăn
Theo Chủ tịch LĐLĐ thành phố Long Xuyên Trương Văn Chiêm, tình hình lao động, việc làm của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Long Xuyên vẫn gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục giảm giờ, giảm ngày công, giảm lao động với trên 1.000 công nhân lao động bị ảnh hưởng.
Quản lí khu vực có đông lao động, Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh An Giang Tô Minh Lắm thông tin: Tình hình lao động, việc làm tại các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp tỉnh chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực. Theo ông Lắm, dự báo từ nay đến cuối năm doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, thiếu đơn hàng dẫn đến cắt giảm và tạm hoãn hợp đồng lao động. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, dự kiến Công ty TNHH An Giang Samho đã cắt giảm trên 4.000 lao động, sắp tới sẽ tiếp tục tạm hoãn hợp đồng với khoảng 800 lao động; Công ty TNHH Công nghệ May mặc Spectre An Giang Việt Nam với hơn 1.000 lao động, dự kiến sẽ cắt giảm từ 200 - 300 lao động và nhiều doanh nghiệp khác cũng đang gặp khó khăn.
Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Cảng An Giang - Trần Văn Cam cho biết, hàng hóa qua cảng ngày càng giảm sâu, do đó số lượng công nhân bốc xếp của công ty cũng giảm 50% so với cùng kì năm.
“Chỉ các doanh nghiệp Nhà nước và một số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở một số địa phương (Châu Phú, Chợ Mới) thì tình hình lao động, việc làm tương đối ổn định, một số doanh nghiệp có kế hoạch tuyển dụng lao động mới” - Chủ tịch LĐLĐ huyện Chợ Mới Ngô Hữu Lễ chia sẻ.
Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang - Nguyễn Hữu Giang cho biết, một số doanh nghiệp thuộc ngành thủy sản công nhân làm việc chưa quá 7 ngày trong tháng. Theo thống kê trên địa bàn tỉnh đã có 8.739 lao động bị ảnh hưởng việc làm, ngoài ra còn có trên 5.000 lao động làm việc ở các địa phương khác trở về quê.
Nỗ lực ổn định đời sống, việc làm
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Hữu Giang, để giải quyết một phần cung - cầu lao động trên địa bàn tỉnh, đảm bảo ổn định tình hình quan hệ lao động tại các doanh nghiệp, các cấp công đoàn, các CĐCS doanh nghiệp cần nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất. Đặc biệt quan tâm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa tại các doanh nghiệp có khả năng nảy sinh phức tạp. LĐLĐ các huyện, thị, thành phố cần tăng cường kí kết và triển khai hiệu quả các chương trình ưu đãi cho đoàn viên, quan tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc kí kết chương trình ưu đãi của nhiều năm qua.
Để góp phần ổn định tình hình việc làm, đời sống người lao động trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang Nguyễn Thiện Phú đề nghị các cấp công đoàn tập trung công tác chăm lo bảo vệ quyền lợi ích của người lao động, nắm sát tình hình tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động và những vấn đề không tích cực để ổn định tình hình đời sống người lao động, không để tình trạng xấu, bất ổn diễn ra trong doanh nghiệp. LĐLĐ các địa phương cần kết nối với các ngành chức năng, các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động để tạo công ăn, việc làm cho người lao động.