Khó tuyển dụng lao động kỹ thuật

Thành An |

Từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Bà Rịa -  Vũng Tàu vẫn gặp khó với bài toán tuyển dụng lao động, nhất là lao động ngạch kỹ thuật. Các đơn vị đã dùng nhiều biện pháp, liên tục tìm kiếm nhân lực kỹ thuật để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhưng tình hình vẫn không khả quan.
 
Doanh nghiệp ở tỉnh BR-VT liên kết với trường nghề để đặt hàng đào tạo các nhóm lao động còn thiếu. Ảnh: T.A
 Tuyển dụng đa dạng nhưng thiếu lao động ứng tuyển

Công ty TNHH Tech South (TP.Vũng Tàu) đăng tuyển 210 lao động cho các vị trí lao động kỹ thuật như hàn máng điện, lắp ống, lắp kết cấu… với mức lương cơ bản từ 7-18 triệu đồng/tháng nhưng không có nhiều lao động ứng tuyển.

“Yêu cầu của chúng tôi là lao động cho một số vị trí phải có chứng chỉ nghề, được qua đào tạo, ưu tiên lao động có tay nghề. Nhu cầu cần người lao động thì khá cao nhưng số người đăng ký ứng tuyển thì ngược lại”, đại diện Công ty TNHH Tech South cho biết.

Còn đại diện Công ty TNHH Nhôm Toàn cầu (TX.Phú Mỹ) cho biết, công ty cần 127 lao động cho các vị trí kỹ thuật viên: Thủy lực, cơ khí, sơn dầu, hàn, tiện, phay, máy lạnh, cửa cuốn, lao động phổ thông… với nhiều ưu đãi nhưng ít người ứng tuyển.

“Trước kia, mỗi ngày có thể phỏng vấn 4-5 lao động nhưng nay không có ứng viên nào, dù có đầy đủ các chế độ và ưu đãi như hỗ trợ bữa ăn ca, tham gia BHXH và hưởng đầy đủ các phúc lợi khác...”, đại diện công ty này cho biết.

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (DVVL), từ đầu năm đến nay, các phiên giao dịch việc làm được tổ chức đã thu hút 4.000 ứng cử viên đến tìm việc, hơn 150 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với gần 10.000 vị trí việc làm... nhưng chỉ khoảng 1.000 LĐ kết nối tìm được việc làm.

Nên chủ động đặt hàng

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 13 khu công nghiệp đang hoạt động với khoảng 70.000 lao động, công nhân kỹ thuật chiếm khoảng 50%, phần lớn làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Dự kiến trong năm 2022, địa phương có nhu cầu cần thêm 15.000 lao động.

Theo Trung tâm DVVL, nhóm ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng lớn với mức lương cao hiện nay là: Công nghệ thông tin, cơ khí tự động hóa, vận tải - kho bãi - dịch vụ logistics, marketing, kỹ thuật công trình xây dựng, công nghệ - kỹ thuật, công nghệ chế biến thực phẩm… Qua 8 phiên giao dịch việc làm đã tổ chức, doanh nghiệp vẫn khó tìm đủ lao động, kể cả lao động phổ thông.

Đại diện Công ty TNHH Kết cấu thép QH Plus cho biết, ngành thép cần lao động kỹ thuật có tay nghề về hàn, lắp... nên doanh nghiệp thường thiếu hụt lao động và cần tuyển số lượng lớn nhưng rất khó tìm được lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật giỏi. Dù đưa ra chính sách đãi ngộ tốt, mức lương cao nhưng vẫn chưa tuyển đủ số lượng mong muốn, ngay cả khi đã nhờ các đơn vị giới thiệu việc làm.

“Do vậy, giải pháp lâu dài là doanh nghiệp chủ động liên kết với các trường nghề để đặt hàng đào tạo các nhóm lao động còn thiếu. Trong quá trình đào tạo, sinh viên vẫn được trả lương và được nhận vào làm việc khi ra trường. Sau khi được tuyển dụng, lao động sẽ thi tay nghề và được trả lương theo bậc thợ”, đại diện bộ phận nhân sự công ty chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng - Trưởng Phòng Lao động-Việc làm-Tiền lương (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), tình trạng thiếu lao động, nhất là lao động kỹ thuật có tay nghề ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã diễn ra nhiều năm nay. Nguồn lao động có trình độ, tay nghề vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề trên, bên cạnh chính sách hỗ trợ đào tạo của tỉnh hoặc chọn giải pháp tìm đến các cơ sở đào tạo, địa phương cũng khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp thu hút lao động có tay nghề với chế độ lương và đãi ngộ tốt.

Ngoài ra, Trung tâm DVVL tỉnh cũng đề xuất sớm hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động nhằm tạo nguồn thông tin về lao động - việc làm, các chính sách về pháp luật lao động,… Qua đó phục vụ công tác xây dựng kế hoạch phát triển, đào tạo nguồn nhân lực nói riêng và phát triển kinh tế xã hội của địa phương nói chung.

Thành An