Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch thường trực Tổng liên đoàn LĐVN, Trưởng đoàn khảo sát cho biết, việc nắm bắt tình hình sử dụng biên chế nhằm lắng nghe, chia sẻ, tìm tiếng nói chung giữa các cấp công đoàn với cấp uỷ địa phương về số lượng biên chế để đáp ứng trong tình hình mới.

Tổng liên đoàn LĐVN kỳ vọng năm nay sẽ kiến nghị Trung ương mô hình biên chế công đoàn, thống nhất biên chế của các địa phương, tối ưu nhất để công đoàn Gia Lai phát triển.
Bà Trần Lệ Nhung – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Gia Lai cho biết, tính đến thời điểm 31.12.2022, tổng số cán bộ công đoàn chuyên trách tại cơ quan LĐLĐ tỉnh Gia Lai, cơ quan LĐLĐ cấp huyện gồm: 94 người (91 biên chế, 3 hợp đồng).
Cụ thể, cơ quan LĐLĐ tỉnh gồm 26 biên chế, 3 hợp đồng. Cơ quan công đoàn ngành tương đương có 14 biên chế, cơ quan LĐLĐ cấp huyện: 51 biên chế.

Nhìn chung, công tác quản lý biên chế công đoàn được Đảng đoàn, Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh quán triệt, thực hiện theo các quy định của Trung ương, Tỉnh uỷ và Tổng liên đoàn LĐVN.
Tuy nhiên, hiện nay Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh không được giao thẩm quyền quản lý biên chế cán bộ công đoàn chuyên trách tại LĐLĐ cấp huyện, mà chỉ phối hợp với Ban thường vụ huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ quản lý cán bộ công đoàn chuyên trách tại LĐLĐ. Vì vậy khó chủ động trong công tác cán bộ, nhất là việc lựa chọn, tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, bố trí sử dụng cán bộ….
Một số nội dung công tác cán bộ công đoàn chuyên trách tại LĐLĐ cấp huyện vẫn thuộc trách nhiệm trực tiếp của LĐLĐ tỉnh như: thực hiện tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương và chế độ, chính sách cán bộ…
Việc phân cấp quản lý cán bộ công đoàn chuyên trách tại LĐLĐ cấp huyện như trên chưa tạo sự chủ động, khó thực hiện công tác điều động, luân chuyển cán bộ, công tác quy hoạch cán bộ bị động…
LĐLĐ tỉnh Gia Lai kiến nghị Ban tổ chức Trung ương nghiên cứu, xem xét duy trì và ổn định số lượng biên chế hiện nay đối với Công đoàn tỉnh Gia Lai.
Nghiên cứu giao trách nhiệm, thẩm quyền cho Đảng đoàn LĐLĐ tỉnh chỉ đạo thống nhất toàn diện đối với việc quản lý biên chế công đoàn tỉnh (gồm biên chế cơ quan LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố và công đoàn ngành tương đương).
Việc này nhằm thuận lợi trong cân đối nguồn tài chính công đoàn trong tỉnh theo cơ chế tự chủ, thuận lợi cho LĐLĐ tỉnh thực hiện biên chế được giao đảm bảo đúng quy định và tiết kiệm biên chế.
LĐLĐ Gia Lai cũng kiến nghị cho phép Công đoàn được ký kết hợp đồng lao động ngoài số biên chế được cấp có thẩm quyền giao để làm nhiệm vụ, chức năng, nghiệp vụ của công đoàn.
Đề xuất xem xét tính đặc thù của tổ chức công đoàn để giao quản lý biên chế như: nguồn tài chính công đoàn, định mức về số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở, tính đặc thù của các tỉnh miền núi…