Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đình Khang - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – cho biết, hội nghị lần này sẽ tập trung thảo luận cho ý kiến vào dự thảo lần 2 báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khoá XII) trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam;
Tờ trình Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam và dự thảo lần 2 Điều lệ Công đoàn Việt Nam và một số vấn đề về công tác tổ chức cán bộ.
Đối với dự thảo báo cáo của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XII) trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, ông Nguyễn Đình Khang cho biết, về cơ bản, kết cấu, bố cục của báo cáo được giữ nguyên như dự thảo đã trình Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 12, có bổ sung, chỉnh sửa thêm một số nội dung cụ thể, trực tiếp liên quan đến các nhận định, đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam;
Dự báo tình hình, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của nhiệm kỳ 2023 – 2028 trong đó có những nội dung đang còn có những ý kiến, phương án khác nhau trình xin ý kiến Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn như tiêu đề báo cáo, mục tiêu nhiệm kỳ 2023 – 2028, các chỉ tiêu phấn đấu…
Đối với dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung): Hiện dự thảo 2 Điều lệ sửa đổi, bổ sung gồm 11 Chương và 43 Điều (tăng 8 Điều so với Điều lệ hiện hành).
Kết cấu được giữ nguyên như dự thảo 1, tuy nhiên có sắp xếp lại vị trí một số điều cho phù hợp tình hình mới.
Đồng thời, có tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung tại một số điều cụ thể về đối tượng, điều kiện gia nhập Công đoàn Việt Nam; về quyền và nhiệm vụ của đoàn viên; về các loại hình công đoàn cơ sở, các loại hình công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; về việc gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp...
Ông Nguyễn Đình Khang đề nghị các đại biểu dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ, góp ý cụ thể vào các văn bản, nhất là những vấn đề còn có ý kiến, phương án khác nhau; chú ý đến những nội dung bổ sung, sửa đổi, đặc biệt là các vấn đề nêu trong các tờ trình; bảo đảm sự phù hợp, nhất quán về nội dung.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, từ kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động công đoàn và từ địa bàn, cơ quan, đơn vị công tác, các đại biểu có thể đề xuất thêm những vấn đề, nội dung mới theo quan điểm cá nhân cần được nghiên cứu, cụ thể hóa trong nội dung các văn bản.
Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 13 (khoá XII) tiến hành thảo luận tổ về các nội dung của hội nghị.
Ngoài các nội dung trên, hội nghị lần này sẽ tiến hành các nội dung về công tác cán bộ, bầu bổ sung uỷ viên Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn.