Đẩy mạnh số hóa hoạt động Công đoàn, hỗ trợ gói cước cho người lao động

Lục Tùng - Phong Nhi |

Công đoàn (CĐ) các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL xác định trong nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ đẩy mạnh số hóa các hoạt động CĐ và phong trào công nhân.

Cán bộ CĐ tiên phong chuyển đổi số

Ngoài 40 tuổi, việc tiếp cận thiết bị công nghệ với chị Lê Thị Chưa - công nhân Khu công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) - là điều khá khó khăn. Mỗi ngày, ngoài việc đi làm và chăm sóc gia đình, chị Chưa cầm điện thoại không đến 1 tiếng đồng hồ.

"Đồng nghiệp trong công ty tôi thường xuyên cập nhật thông tin qua mạng xã hội nhưng tôi lại bắt nhịp trễ vì không quen cách sử dụng. Với ứng dụng về bảo hiểm xã hội, thỉnh thoảng, tôi cũng truy cập xem nhưng chật vật lắm vì phải... mò", chị Chưa chia sẻ.

Trong khi đó, điều khó khăn đối với công nhân Ông Thư Hồng (47 tuổi, làm việc tại Hậu Giang) là việc đăng ký các gói cước sử dụng mạng. Chị Hồng cho biết: "Wifi ở phòng trọ khá yếu, tôi hầu như tháng nào cũng phải nhờ con gái đăng ký mạng để dùng. Mỗi tháng mất khoảng 100.000 đồng. Có khi kết nối internet hết hạn, tôi cũng không đăng ký vì không còn tiền".

Đây là 2 trong số hàng ngàn đoàn viên, người lao động (NLĐ) vùng ĐBSCL bị "lạc nhịp" với mặt bằng số hóa. Trước tình hình đó, CĐ các tỉnh, thành phố trong khu vực xác định số hóa là một trong những khâu đột phá trong nhiệm kỳ mới.

Tại Phiên chợ việc làm hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022 ở quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), người lao động được hướng dẫn truy cập gói cước giá rẻ. Ảnh: Phong Linh
Tại Phiên chợ việc làm hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2022 ở quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), người lao động được hướng dẫn truy cập gói cước giá rẻ. Ảnh: Phong Linh

Cụ thể, LĐLĐ TP Cần Thơ xác định, thực hiện chuyển đổi số trong công tác truyền thông và quản lý đoàn viên là một trong những hoạt động trọng tâm của nhiệm kỳ.

"Chúng tôi phấn đấu trong nhiệm kỳ mới sẽ có 100% CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở, 70% CĐCS xây dựng, thiết lập các trang, nhóm Zalo, Facebook, kênh Youtube... để thực hiện công tác tuyên truyền, tương tác, trao đổi công việc; có 80% trở lên nội dung truyền thông CĐ được thực hiện trên không gian mạng...

Trong đó, cán bộ CĐ không chỉ đi đầu nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ, mà còn phải là người đi đầu, tiên phong, hướng dẫn NLĐ tiếp cận được thông tin trên nền tảng số để không một ai bị bỏ lại phía sau", bà Lê Thị Sương Mai - Chủ tịch LĐLĐ TP Cần Thơ - chia sẻ.

Cán bộ công đoàn Cần Thơ trong các buổi tập huấn. Ảnh: Thành Nhân
Cán bộ công đoàn Cần Thơ trong các buổi tập huấn. Ảnh: Thành Nhân

Với LĐLĐ tỉnh Trà Vinh cũng xác định, trong nhiệm kỳ mới, khâu đột phá sẽ là đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động CĐ, ưu tiên lĩnh vực chuyển đổi số trong công tác quản lý đoàn viên; quản lý tài chính CĐ và tuyên truyền giáo dục trong đoàn viên, NLĐ.

Hỗ trợ gói cước miễn phí cho NLĐ

Ông Lâm Thành Sĩ - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang - nhìn nhận, hiện nay, đối với chuyển đổi số trong hoạt động CĐ vẫn còn nhiều nội dung cần phải đầu tư kỹ lưỡng cả về nguồn lực kinh tế lẫn nguồn lực con người. Qua đó, đoàn viên, NLĐ mới thấy được việc làm thiết thực của việc chuyển đổi số trong phục vụ công việc, nâng cao tay nghề, vui chơi, giải trí, tiếp cận nguồn tư liệu khác,... mà Công đoàn đang định hướng cho đoàn viên.

Ông Lâm Thành Sĩ - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang - chia sẻ giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động Công đoàn. Ảnh: Phong Linh
Ông Lâm Thành Sĩ - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang - chia sẻ giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động Công đoàn. Ảnh: Phong Linh

"Đặc thù của An Giang vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đa số đoàn viên, NLĐ có thu nhập thấp cũng không có khả năng sử dụng liên tục thiết bị công nghệ hay trả phí. Do vậy, để động viên NLĐ tham gia ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, các cấp CĐ quan tâm tổ chức địa điểm, tìm nguồn hỗ trợ về công nghệ thông tin, chi phí, ưu đãi cho NLĐ" - ông Sĩ thông tin.

Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang cũng gợi mở các giải pháp hiện thực hóa hỗ trợ này. Thí dụ, đối với doanh nghiệp có số lượng NLĐ lớn, Ban chấp hành CĐ có thể tiến hành thương lượng và nhận chính sách các gói ưu đãi, miễn phí để công nhân được truy cập mạng dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh và các huyện, thị, thành phố cũng sẽ tăng cường phối hợp với đơn vị viễn thông có gói ưu đãi hỗ trợ NLĐ.

NLĐ ở An Giang rất mong đón nhận gói hỗ trợ cước phí để có thêm điều kiện sớm hòa nhập công cuộc số hóa. Ảnh: Phong Linh
NLĐ ở An Giang rất mong đón nhận gói hỗ trợ cước phí để có thêm điều kiện sớm hòa nhập công cuộc số hóa. Ảnh: Phong Linh

Ngoài ra, giải pháp hữu hiệu nữa là tận dụng wifi của doanh nghiệp để NLĐ có thể sinh hoạt, làm việc với mục đích nghiên cứu, học tập, vui chơi, giải trí,...

Nếu hoạt động này được triển khai hiệu quả, không chỉ khơi thông "dòng chảy số" đến đoàn viên, NLĐ an tâm sử dụng, tiếp cận chủ trương, chính sách qua các hoạt động CĐ... mà còn khai thông nguồn thông tin ở chiều ngược lại: NLĐ có thêm cơ hội trình bày nguyện vọng, kiến nghị đến CĐ một cách nhanh nhất.

Lục Tùng - Phong Nhi