Giao lưu doanh nghiệp vì người lao động sẵn sàng với Cách mạng công nghiệp 4.0

PV |

Chiều 28.11, Báo Lao Động tổ chức chương trình giao lưu “Doanh nghiệp vì người lao động 2017”, với chủ đề “Bạn đã sẵn sàng với Cách mạng công nghiệp 4.0?”.

16h: Thảo luận “Bạn đã sẵn sàng với cách mạng công nghiệp 4.0?”

 
Buổi giao lưu “Doanh nghiệp vì người lao động 2017”, với chủ đề “Bạn đã sẵn sàng với Cách mạng công nghiệp 4.0?”. Ảnh: Hải Nguyễn 

Trước khi bước vào phần thảo luận giữa các doanh nghiệp về cơ hội và thách thức của doanh nghiệp trước cách mạng công nghiệp 4.0, TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh lại câu nói của Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải: Lao động là một bộ phận của doanh nghiệp để tạo nên giá trị, sự giàu có vững bền của doanh nghiệp.

Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ, quá trình tự động hóa đang diễn ra rất nhanh, con người sẽ ở đâu và đóng vai trò như thế nào? TS Phong mong các doanh nghiệp đưa ra ý kiến, thảo luận về vấn đề này.

Đại diện 74 doanh nghiệp được vinh danh trong Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động năm 2017”, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Công đoàn Công ty thủy điện Sơn La - chia sẻ hướng đi của doanh nghiệp mình trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

 
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Công đoàn Công ty thủy điện Sơn La phát biểu. Ảnh: Hải Nguyễn

“Con người là vốn quý của doanh nghiệp, nhân tố tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vì vậy chúng tôi coi việc chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động là mục tiêu quan trọng. Hiện chúng tôi tập trung khai thác nguồn lao động thâm niên, đây là những người giàu kinh nghiệm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chú trọng nâng cao tay nghề cho đội ngũ kỹ sư trẻ. Với khoảng 40% lao động có trình độ kỹ sư, chúng tôi đã sẵn sàng hội nhập, đáp ứng ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0” - ông Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ.

Ông Sơn có một vấn đề băn khoăn về lộ trình nghỉ hưu cho lao động nữ, mong được giải đáp.

Bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú bày tỏ quan điểm về việc Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn có mâu thuẫn lợi ích không?

Theo bà Liên: “Hoàn toàn không có đối kháng lợi ích. Tôi từng làm ủy viên trong Công đoàn ngành Dệt may VN. Tôi từng chia sẻ kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới về việc Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn. Các nước cũng ngạc nhiên khi có sự kiêm nhiệm như trên. Tuy nhiên, sau khi nghe chúng tôi giải thích thì họ đều thấy phù hợp.

Doanh nghiệp chúng tôi luôn chăm lo đến quyền lợi, đời sống của người lao động. Hiện Công ty có trên 8.000 người lao động. Công nghệ 4.0 mở ra nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp. Nguồn lực hiện nay đang là vấn đề lớn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp tìm kiếm lao động ngày càng khó khăn, chưa kể hiện công nghệ 4.0 yêu cầu trình độ người lao động cần được nâng cao.

15h40: Bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là công nghiệp 4.0) đang diễn ra. Mặc dù không cảm nhận rõ nét nhưng thực sự Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng này. Điều đáng lo ngại là khi cảm nhận được rõ ràng, thì Việt Nam có thể không kịp ứng phó. Sự thay đổi mà công nghệ 4.0 mang lại sẽ biến đổi hoàn toàn môi trường sống và làm việc của con người, khác hẳn so với ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Nếu ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây chỉ tạo ra sự thay đổi trong lĩnh vực công nghiệp, thì công nghiệp 4.0 còn làm thay đổi căn bản cả trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, dịch vụ và tạo ra sự kết nối giữa các lĩnh vực với nhau. Dường như sẽ không còn ranh giới rõ ràng giữa các lĩnh vực.

Với trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và công cụ tìm kiếm như Google, Yahoo…, tri thức không còn là quyền lực mà lựa chọn tri thức và xử lý tri thức phục vụ mục tiêu của con người mới là quyền lực.

 
Bà Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn. Ảnh: Hải Nguyễn

Việt Nam, cũng như tất cả các quốc gia đang phát triển khác, không thể nhảy cóc từ lực lượng lao động của công nghiệp 2.0 sang công nghiệp 4.0, mà phải đặt tiền đề cho sự thay đổi này, trong đó có ba tiền đề cơ bản đầu tiên phải đặc biệt quan tâm trong thời gian tới.

Đầu tiên, Việt Nam cần xây dựng và phát triển chính sách ngành công nghiệp phù hợp với công nghiệp 4.0. Sự lựa chọn chính sách của quốc gia, cùng với quyết tâm chính trị để thực hiện chính sách lựa chọn, là tiền đề đầu tiên để Việt Nam vững bước vào Công nghiệp 4.0.

Việt Nam hiện đang thực hiện con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ưu tiên phát triển công nghiệp với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Tuy nhiên, chính sách công nghiệp của Việt Nam hiện nay tập trung nhiều vào các ngành giá trị gia tăng thấp, kỹ năng thấp, giản đơn và sử dụng đông lao động, dễ bị thay thế bằng máy móc tự động hóa hoàn toàn/robot, điển hình là ngành dệt may, da giày, điện tử…

Để thay đổi và phát triển chính sách ngành cho công nghiệp 4.0, nếu Việt Nam lựa chọn con đường chờ đợi các doanh nghiệp tự năng động và đầu tư vào những ngành nghề mới của công nghiệp 4.0 sẽ là một sự lựa chọn không tạo ra đột phá. Mục tiêu của doanh nghiệp, không bàn cãi, là hiệu quả và lợi nhuận. Vì vậy, đương nhiên doanh nghiệp sẽ có động cơ đầu tư vào những ngành tạo ra lợi nhuận, chi phí lao động thấp, ít rủi ro. Có chăng chỉ có một bộ phận nhỏ doanh nghiệp dám liều lĩnh và mạo hiểm đầu tư vào các ngành mới của công nghệ 4.0 bởi vì, do tính chất mới của ngành, nên chi phí đầu tư sẽ lớn, rủi ro cao và không an toàn đối với lợi nhuận của doanh nghiệp. Bộ phận nhỏ doanh nghiệp đi đầu này sẽ không tạo ra đột phá cho sự phát triển của cả đất nước Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ phải là kiến trúc sư cho các ngành công nghiệp mới của công nghiệp 4.0, tạo ra trụ cột ngành để thu hút FDI và doanh nghiệp đầu tư, cũng như điều chỉnh chính sách về đào tạo, cơ sở hạ tầng và thu hút nguồn nhân lực vào các ngành mới này. Chỉ như vậy, Việt Nam mới không bị tụt lại phía sau trong công nghiệp 4.0.

Công nghiệp 4.0 là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các quốc gia. Công nghiệp 4.0 là thách thức nếu các quốc gia không chủ động thay đổi chính sách của mình. Công nghiệp 4.0 là cơ hội nếu các quốc gia chủ động thay đổi chính sách, trước hết tập trung vào các chính sách tiền đề là: Hoạch định chính sách ngành công nghiệp phù hợp, phát triển văn hóa sáng tạo và thúc đẩy kỹ năng mềm trong lực lượng lao động. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể vững bước vào Công nghiệp 4.0 và phát triển một cách thực sự bền vững.

15h20: Các doanh nghiệp giao lưu về chủ đề tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến doanh nghiệp.

Phát biểu đề dẫn buổi giao lưu, TS Nguyễn Minh Phong - Phó Vụ trưởng, Phó ban Tuyên truyền Lý luận, Báo Nhân Dân khẳng định: Cuộc cách mạng lần thứ 4 là chưa có tiền lệ, vì nó không chỉ tự động hóa ở trong doanh nghiệp mà nó nối mạng toàn cầu, dựa trên công nghệ mới tích hợp. Nó sẽ tạo ra biến động rất mạnh, tác động đến quá trình phân phối lưu thông hàng hóa.

“Bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy...

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu hướng hiện tại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật hoặc là Mạng lưới thiết bị kết nối Internet (tiếng Anh:Internet of Things-viết tắt là IoT) và điện toán đám mây, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số” - TS Nguyễn Minh Phong chia sẻ.

 
TS Nguyễn Minh Phong - Phó Vụ trưởng, Phó ban Tuyên truyền Lý luận, Báo Nhân Dân. Ảnh: Hải Nguyễn

Cũng theo TS Phong, ngày nay, các robot đang được sử dụng nhiều hơn ở tất cả các lĩnh vực từ nông nghiệp chính xác cho đến chăm sóc người bệnh. Sự phát triển nhanh công nghệ robot làm cho sự hợp tác giữa người và máy móc trở thành sớm trở thành hiện thực. Hơn nữa, do tiến bộ công nghệ khác, robot đang trở nên thích nghi và linh hoạt hơn, với thiết kế cấu trúc và chức năng của nó được lấy cảm hứng từ các cấu trúc sinh học phức tạp (mở rộng của quá trình mô phỏng sinh học, trong đó mô hình và các chiến lược của tự nhiên được bắt chước lại).

Ông dẫn chứng ở Bình Dương, đã có những nhà máy sử dụng rôbốt thay thế con người, đặc biệt là trong ngành dệt may.

Từ những dẫn chứng, TS Phong khẳng định: Thế giới đang chuyển mình để hòa vào dòng chảy của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam cũng không thể nằm ngoài xu thế ấy. Để tận dụng được những lợi thế đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc cách mạng công nghệ mới, chúng ta cần phải nhận thức rõ các đặc điểm của cuộc cách mạng công nghệ đó, từ đó tìm ra các biện pháp và xây dựng các chính sách phát triển thích hợp.

Ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2017, Thủ tướng Chính phủ lưu ý các Bộ, ngành cần tăng cường nhận thức về cách mạng công nghiệp 4.0. Theo Thủ tướng, chỉ khi có nhận thức đúng đắn về bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 thì mới có cách ứng xử, có định hướng, tư duy phát triển phù hợp. Các Viện nghiên cứu, trước hết là hai Viện Hàn lâm (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), các chuyên gia, nhà khoa học, mọi doanh nghiệp và người dân cùng chung tay tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để đổi mới sáng tạo, có nhiều tư duy mới, sáng tạo mới để đưa đất nước có bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.

15h15: Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH chia sẻ, rất tâm đắc khi Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN Trần Thanh Hải coi người lao động là động lực để phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra ông cho rằng, người lao động không chỉ là nguồn lực mà còn quyết định sự thành công của doanh nghiệp.

 
Ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra Bộ LĐTBXH. Ảnh: Hải Nguyễn

“Năm nay, chúng ta có 74 doanh nghiệp được vinh danh vì người lao động. Qua 4 lần tổ chức, Bảng xếp hạng ngày càng nâng cao uy tín, thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia. Những doang nghiệp được vinh danh đều là doanh nghiệp chăm lo tốt cho người lao động. Vì sau các vòng rà soát, chúng tôi còn xin ý kiến của Thanh tra Bộ LĐTBXH để kiểm tra, giám sát việc doanh nghiệp có thực hiện các chính sách liên quan đến người lao động không? Nếu doanh nghiệp nào vi phạm thì nhất quyết không được vinh danh”- ông Nguyễn Tiến Tùng chia sẻ.

15h15: Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát biểu: Xin chúc mừng 74 doanh nghiệp được vinh danh “Doanh nghiệp vì người lao động năm 2017". Việc tôn vinh các doanh nghiệp vì người lao động không chỉ khuyến khích các doanh nghiệp ngày càng chăm sóc tốt hơn cho đời sống của người lao động; tạo dựng và duy trì mối quan hệ đối tác lành mạnh, tin cậy và gắn bó đồng hành cùng người lao động trên con đường phát triển bền vững mà còn hướng tới tạo hiệu ứng xã hội, khuyến khích doanh nghiệp tạo ra một môi trường làm việc lý tưởng, chia sẻ lợi ích, khắc phục khó khăn để người lao động có thể nỗ lực hơn nữa, cống hiến sức lực và trí tuệ, kiến tạo nên những giá trị tốt đẹp cho xã hội; đồng hành cùng doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế thế giới.

Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đã mở ra nhiều thách thức. Các doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường làm việc, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, hướng tới phát triển bền vững trong quá trình hội nhập và phát triển.

 
Ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN phát biểu tại buổi giao lưu. Ảnh: Hải Nguyễn

Ông Trần Thanh Hải tin tưởng, sự chủ động của doanh nghiệp sẽ tạo ra thành công trong sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay.

15h: Tham dự buổi giao lưu có ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN, ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh Tra Bộ LĐTBXH, bà Phan Thu Thủy - Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động.

Chương trình còn có sự tham dự của các doanh nghiệp được vinh danh trong Bảng xếp hạng Doanh nghiệp vì Người lao động 2017 và các doanh nghiệp đã nhận được giải thưởng “Doanh nghiệp vì người lao động” năm 2016.

 
Phó Tổng biên tập Báo Lao Động Phan Thu Thủy phát biểu khai mạc buổi giao lưu. Ảnh: Hải Nguyễn

Đây là chương trình nằm trong chuỗi sự kiện của Bảng xếp hạng “Doanh nghiệp vì người lao động” năm 2017, được Tổng LĐLĐVN khởi xướng, phối hợp với các đơn vị liên quan và giao Báo Lao Động trực tiếp tổ chức, nhằm tạo thành phong trào rộng khắp, động viên khuyến khích các doanh nghiệp chăm lo hơn nữa đến nguồn lực con người, vì sự phát triển của doanh nghiệp và cộng đồng.

Năm nay, bảng xếp hạng đã bước sang năm thứ 4 liên tiếp và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cũng như người lao động trong doanh nghiệp.

Sau khi tiến hành chọn lọc sơ khảo từ các LĐLĐ tỉnh, thành phố và CĐ ngành trung ương, qua 2 vòng chấm điểm và 1 vòng hiệp y, đã có 74 doanh nghiệp được vinh danh trong Bảng xếp hạng "Doanh nghiệp vì người lao động 2017".

Các doanh nghiệp được vinh danh đều thực sự là những doanh nghiệp đi đầu, nỗ lực không ngừng cải thiện môi trường làm việc, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, hướng tới phát triển bền vững.

Lễ vinh danh 74 doanh nghiệp với chủ đề “Người lao động đồng hành cùng DN vì sự phát triển bền vững” sẽ diễn ra vào lúc 9h30 ngày 29.11.2017 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

Trước lễ vinh danh, chiều 28.11, 74 doanh nghiệp vì người lao động năm 2017 đã có buổi giao lưu, bàn về tương lai, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Lao Động Online xin tường thuật trực tiếp buổi giao lưu “Doanh nghiệp vì Người lao động 2017” với chủ đề “Bạn đã sẵn sàng với Cách mạng công nghiệp 4.0?”

PV