Thăm văn phòng công trường Đèo Cả trên cao tốc Bắc Nam

PV |

Trên công trường thi công cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, hàng trăm kỹ sư, công nhân của Tập đoàn Đèo Cả đang bám công trường, "vượt nắng thắng mưa" hoàn thành dự án.

Hầm Tuy An thuộc gói thầu số 1 cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong (Phú Yên), đoạn hầm phía nam dài 772 m do Tập đoàn Đèo Cả thi công, đoạn phía bắc dài 248m do nhà thầu Lũng Lô thực hiện.

Ảnh: Đèo Cả
Ảnh: Đèo Cả

Tháng 2 trên công trường, trong thời tiết khá nắng nóng song không khí lao động đang rất sôi nổi, khẩn trương. Các kỹ sư, công nhân bám công trường ngày đêm làm việc, từng nhóm công nhân chia 3 mũi thi công khác nhau, mũi 1 thi công mái cơ hầm, đào và gia cố khung giằng, lắp đặt tấm ốp, đắp đất. Mũi 2 thi công hầm trái, đã đào và gia cố đạt 306 m trong tổng số 772m hầm. Mũi 3 thi công hầm phải, đã đào và gia cố được 322 m.

Trong hầm, sau khi máy khoan sâu vào đá, nhóm thợ lắp các ống thép để bơm phụt vữa xi măng, phụ gia vào vòm hầm để chống sạt lở. Bên ngoài hầm, nhóm thợ cơ khí khẩn trương gia công các ống neo để chuẩn bị đưa vào hầm.

Anh Bùi Hồng Vận, tổ trưởng tổ khoan hầm Tuy An, quê Nam Định, chia sẻ, tổ khoan chia 2 ca, 2 người phụ trách một máy khoan. Hầm Tuy An có địa chất yếu, thay đổi hoàn toàn so với khảo sát thiết kế ban đầu, song đội ngũ kỹ sư, công nhân đã xử lý gia cố an toàn. Do địa chất yếu nên thời gian đào và gia cố hầm phải kéo dài hơn, mỗi ngày chỉ hoàn thành một mét hầm (trước đó là 6 mét).

Anh Vận cho biết, trước đây, anh học lái máy rồi học nghề khoan hầm, công việc của người thợ khoan hầm vất vả gắn với hiểm nguy do thi công trong điều kiện địa chất phức tạp. Công trường thường ở các vùng sâu, vùng xa song công ty có chế độ lương, điều kiện ăn ở tốt nên anh yên tâm gắn bó lâu dài với công việc.

Ảnh: Đèo Cả
Ảnh: Đèo Cả

Mỗi năm, anh Bùi Hồng Vận được nghỉ phép về quê 1-2 lần. Dịp Tết, người lao động đều được công ty sắp xếp xe đưa về quê, mùng 5 trở lại công trường. Anh Vận đã có 3 năm tự nguyện ở lại công trường làm việc xuyên Tết để kịp tiến độ các công trình.

Đến nay, anh Bùi Hồng Vận đã gắn bó với Đèo Cả được 3 năm, trưởng thành qua các công trình hầm Cù Mông, hầm Trường Vinh, dự án đường bao biển ở Quảng Ninh, hầm Hải Vân.

Trên công trường hầm Tuy An, anh Đỗ Ngọc Kiên, 49 tuổi, quê Nam Định và nhiều công nhân khác đang thi công mái cơ cửa hầm Tuy An, đây là phần thi công khá khó khăn do địa chất không ổn định, mùa mưa dễ sạt lở. Có thời điểm đội thi công có hơn 50 người, đa số người lao động ở quê xa.

Anh Kiên cho hay đã làm trong ngành xây dựng, giao thông 24 năm, trong đó hơn 3 năm làm việc tại Đèo Cả. Tại đây, anh cảm thấy gắn bó hơn hết bởi người lao động ở đây có thu nhập ổn định, các chế độ bảo hiểm, nghỉ phép, chế độ công đoàn đều đảm bảo. Khi bị ốm đau, tai nạn đều có công ty và công đoàn, đồng nghiệp hỗ trợ.

"Tôi nhận thấy đời sống người lao động, tiền lương tại Đèo Cả tốt hơn nhiều so với các đơn vị tôi từng làm trước đây, chưa bao giờ công ty trả chậm lương tháng" anh Kiên nói và cho rằng, chế độ thu nhập tốt khiến người lao động cảm thấy có trách nhiệm gắn bó với công việc và luôn mong muốn làm tốt hơn nữa để doanh nghiệp phát triển.

Anh Kiên cũng nhận định những năm trước, các doanh nghiệp giao thông chưa quan tâm đến điều kiện ăn ở của công nhân ở công trường, nhà ở thường tạm bợ, lương trả chậm. Song hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn như Đèo Cả luôn quan tâm, đầu tư nơi ở tốt để đời sống của người lao động được nâng cao để anh em yên tâm làm việc.

Ảnh: Đèo Cả
Ảnh: Đèo Cả

Bên cạnh công trường đầy nắng gió, tiếng ồn, khu văn phòng và nhà ở của các kỹ sư, công nhân khá yên tĩnh. Khu vực văn phòng làm việc, phòng họp của Đèo Cả được xây dựng khang trang, lắp đặt đầy đủ máy tính, mạng, thường là nơi các đoàn công tác của Bộ, Chính phủ chọn để tổ chức họp sau các đợt kiểm tra hiện trường.

Khu nhà ở được chia thành từng phòng khép kín, có bếp ăn, sân chơi, sân tập thể thao. Đa số người lao động ở đây sống xa gia đình nên luôn được ban lãnh đạo công ty quan tâm để anh em gắn bó và vững tâm công tác. Sau mỗi ca làm việc, người lao động được bố trí ở nhà công nhân ở gần ngay công trường, có sân bóng, sân thể thao cho anh em thư giãn sau khi làm việc. Bếp ăn được bộ phận cấp dưỡng tuân thủ với chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, thực đơn theo từng ngày để kỹ sư, công nhân đảm bảo sức khỏe làm việc.

Ông Trương Công Đạt, Giám đốc Ban Điều hành Gói thầu XL01, cho biết gói thầu số 1 đang có hơn 400 cán bộ, công nhân làm việc ở công trường. Công ty đã xây dựng khu ở, văn phòng với chi phí hơn 8 tỷ đồng. Trong đó, phòng ở khép kín của cán bộ kỹ thuật bố trí 6 giường cho 6 người, có bình nóng lạnh, máy điều hoà. Phòng ở của công nhân, lái xe, lái máy với diện tích 40 m2 cho 16 người, có 2 máy điều hòa. Ngoài ra khu vệ sinh, nhà tắm với đầy đủ bình nóng lạnh đảm bảo sức khoẻ cho người lao động.

Đơn vị cũng đầu tư hệ thống lọc nước để đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt, nước được kiểm định hàng quý tại các đơn vị kiểm định của nhà nước và thay thế lọc định kỳ.

Ảnh: Đèo Cả
Ảnh: Đèo Cả

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đèo Cả khẳng định, tập đoàn Đèo Cả nhận thức rõ con người là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp và xã hội. Để đảm bảo an sinh xã hội cho những người lao động, doanh nghiệp đã thay đổi khái niệm “lán trại hiện trường” thành “văn phòng, nhà ở hiện trường” với cơ sở vật chất trang thiết bị tốt nhất.

Những điều kiện này không chỉ dành cho các cấp quản lý mà từng công nhân cũng được chăm lo, đảm bảo nơi ăn chốn nghỉ đàng hoàng nhằm đảm bảo điều kiện làm việc, sinh hoạt tốt nhất cho người lao động, giúp tái tạo sức lao động, tăng hiệu suất làm việc.

Tập đoàn đã hình thành một văn hoá “không bao giờ nợ” hay “chậm lương” ngay cả những lúc khó khăn nhất như dịch Covid. Đặc thù hoạt động đầu tư, xây dựng dự án công trình giao thông, gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách, nguyên vật liệu, giải phóng mặt bằng, thời tiết, song thay vì để người lao động tạm nghỉ cắt giảm lương thì Đèo Cả luôn chủ động khắc phục, bố trí công việc phù hợp cho người lao động. Nhiều giải pháp được thực hiện để đảm bảo thu nhập cho người lao động, mục tiêu là “không ai bị bỏ lại phía sau", các quỹ tài chính luôn được dự phòng để doanh nghiệp quản trị rủi ro, ưu tiên hàng đầu là chế độ cho người lao động.

“Nợ lương hay cắt giảm lương là những điều chưa từng có trong hệ thống Đèo Cả", ông Ngọ Trường Nam nói.

Đèo Cả cũng cung cấp các chính sách phúc lợi như bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm xã hội, các chế độ nghỉ phép phù hợp. Thường xuyên kiểm tra khám sức khoẻ định kỳ để đảm bảo sức khỏe và an toàn cho nhân viên. Chăm lo đời sống, đưa đón người lao động trong các ngày nghỉ, ngày Lễ, Tết. Tập đoàn cũng tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, các cuộc thi giúp đời sống tinh thần của người lao động phong phú hơn.

Trong năm 2023, Đèo Cả đã tuyển dụng 3.080 người, tăng 79% so với năm 2022. Trong đó, khối lao động ở công trường là 2.756 người (chiếm tỷ lệ 90%), khối văn phòng là 324 người (chiếm tỷ lệ 10%). Năm 2024, doanh nghiệp dự kiến tạo thêm 2.000 việc làm cho người lao động tại các khu vực dự án đi qua như Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, Vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 TP HCM…

PV