113 công nhân viên tham gia huấn luyện được chia làm 2 lớp. Đây là những người lao động ở nhóm 3, là nhóm có điều kiện lao động nghiêm ngặt. Gồm: Công nhân vận hành nồi hơi, máy nén khí, xe nâng hàng, thang máy, vận thang, hệ thống nước thải; công nhân sửa chữa, bảo trì thiết bị, thợ điện; công nhân máy cắt, ép, đột dập, mài; công nhân làm vệ sinh công nghiệp, vệ sinh môi trường, phục vụ nhà ăn, nấu ăn.
Người lao động được giới thiệu về khái niệm, nội dung của công tác bảo hộ lao động, hệ thống quy phạm pháp luật và các quy định của nhà nước trong an toàn vệ sinh lao động. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc; các hành vi nghiêm cấm trong công tác an toàn vệ sinh lao động; tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn vệ sinh lao động.
Bên cạnh đó, giảng viên cũng giới thiệu với học viên kiến thức cơ bản về các yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc, đánh giá các nguy cơ trong sản xuất, phương pháp cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao nghiệp vụ và kỹ năng sơ cấp cứu tai nạn lao động, phương pháp chống bệnh nghề nghiệp.
Học viên còn được học về các thiết bị, sự cố tai nạn thường xảy ra và biện pháp an toàn. Kiến thức về an toàn điện cũng được chia sẻ tại lớp học như những yếu tố tác động của dòng điện với con người, các chấn thương do dòng điện, điện giật, các biện pháp an toàn điện; an toàn với thiết bị cắt, ép, đột dập, mài, khoan; an toàn khi sử dụng hóa chất và cách phòng ngừa.
Trong quá trình học, học viên được quan sát và trải nghiệm kiến thức thực tế với các thiết bị áp lực như nồi hơi, thang máy, máy cắt, khoan… Qua buổi đào tạo, người lao động được tiếp cận kiến thức về thiết bị áp lực, những yếu tố nguy hiểm, nguyên nhân gây ra sự cố và biện pháp phòng ngừa, những yếu tố an toàn với thiết bị áp lực, yêu cầu với các thiết bị đường ống.