Báo cáo tại hội đồng, Phó Tổng biên tập Báo Lao Động - bà Phan Thu Thuỷ cho biết, bộ tiêu chí xếp hạng năm 2018 cũng với điểm chuẩn quy định là 100 điểm, nhưng đã được điều chỉnh bổ sung thêm các tiêu chí phù hợp với các văn bản pháp luật mới được sửa đổi bổ sung. Đặc biệt là việc điều chỉnh, bổ sung điểm cộng đối với các doanh nghiệp (DN) chú trọng đào tạo người lao động thích ứng với công nghệ 4.0. Cùng đó, bộ tiêu chí cũng dành điểm tăng thêm cho các công đoàn cơ sở (CĐCS) chủ động ký kết được các chương trình phúc lợi riêng cho đoàn viên của mình. Tại bảng xếp hạng lần này, nhiều DN đã làm tốt hơn các quy định của luật và được điểm cộng và nhiều DN đã vượt qua khung điểm 100.
Trước đó, thông qua 3 vòng chấm loại từ sơ loại ở các cấp CĐCS, CĐ ngành, LĐLĐ các tỉnh, thành phố đến Ban Tổ chức Bảng xếp hạng và các chuyên gia đến từ Bộ LĐTBXH, Tổng LĐLĐVN và VCCI chấm chéo độc lập, nếu chênh nhau 10 điểm, chuyên gia thứ 3 sẽ chấm lại. Ban tổ chức theo đó đã chọn ra được trên 150 DN tiêu biểu đại diện cho hàng trăm DN gửi hồ sơ tham dự để trình Hội đồng xếp hạng xem xét.
Tại cuộc họp, Ban tổ chức cũng đề xuất Hội đồng chuyên gia không xếp hạng các DN có mức thu nhập bình quân thấp, dưới 5,5 triệu đồng/tháng đối với vùng 3 - 4 và 6 triệu đồng đối với vùng 1 - 2. Cùng đó, các DN có doanh thu giảm, lợi nhuận giảm nhưng thu nhập của người lao động tăng thì vẫn đưa vào tiêu chí xếp hạng. Cũng tại cuộc họp này, Tổng Biên tập Báo Lao Động, Trưởng Ban tổ chức Bảng xếp hạng 2018 - ông Nguyễn Ngọc Hiển cũng đề nghị Hội đồng cho kéo dài thời gian lễ vinh danh để hiệp y và khảo sát chất lượng các DN tham gia tốt hơn. Vì năm 2018 là năm bản lề để chuẩn bị cho việc thực hiện Giải thưởng “Doanh nghiệp vì Người lao động” năm 2019 (3 năm tổ chức 1 lần) và kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Đại diện Bộ LĐTBXH, Chánh Thanh tra Nguyễn Tiến Tùng cho rằng, đây là giải thưởng vinh danh những DN vì người lao động, do đó bộ tiêu chí đưa ra rất hợp lý vì đã thiên về các tiêu chí quyền lợi cho người lao động như phúc lợi, công đoàn, cơ chế dân chủ ở cơ sở. Phó Văn phòng VCCI - bà Vi Thị Hồng Minh cũng cho biết, đã trực tiếp chấm một số bộ hồ sơ tham gia và thấy chất lượng của các DN tham gia rất tốt, nhiều DN dù có doanh thu giảm nhưng thu nhập của người lao động lại tăng. Đây là điều đáng mừng và những DN này phải được điểm cộng. “Do đó chúng ta không quan trọng là lấy điểm bao nhiêu và bao nhiêu DN tham gia mà cần phải đánh giá vào mức độ đóng góp cho người lao động và xã hội của DN để vinh danh” - bà Vi Thị Hồng Minh nhìn nhận.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - ông Ngọ Duy Hiểu cho rằng, chất lượng bảng xếp hạng ngày càng được nâng cao. Nhưng cần phải có những điều chỉnh để các năm tiếp theo sẽ vinh danh nhiều hơn nữa khối các DN nhỏ và vừa vì thực tế mức thu nhập của người lao động ở khối này còn thấp. Trong khi người lao động của khối DN này phần lớn là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, nhất là các DN ở vùng sâu, vùng xa do vậy với mức thu nhập như hiện nay là nỗ lực và cố gắng rất lớn của DN. Do vậy, cần mở rộng vinh danh các DN, sau khi rà soát, thẩm định thông qua các kênh của Thanh tra Bộ LĐTBXH, VCCI, LĐLĐ các địa phương sẽ chọn ra danh sách các DN thực sự vì người lao động để vinh danh.