Đề xuất cho phép công nhân đang thuê nhà ở xã hội được mua lại

CAO NGUYÊN |

Để tạo điều kiện cho công nhân, người thu nhập thấp sở hữu một căn nhà ở xã hội, mới đây Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đề xuất nên cho phép công nhân lao động đang thuê nhà ở xã hội trong khu công nghiệp được mua lại nhà này khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển đổi.

Công nhân ngại thuê nhà ở xã hội

Chị Đặng Thị Thu Huệ (40 tuổi, quê Thái Bình) đã có 17 năm làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội). Năm 2015, sau khi biết đến Dự án thí điểm xây dựng nhà ở cho công nhân thuê tại huyện Đông Anh, TP Hà Nội, chị Huệ hoàn tất các thủ tục để được vào khu nhà ở này.

Căn hộ có diện tích khoảng 75m2 với giá thuê 1,6 triệu đồng/tháng đã bao gồm các khoản điện, nước. Tuy nhiên, khi được hỏi về nhu cầu sở hữu một căn nhà ở xã hội tại đây, chị Huệ nói rằng, rất muốn nhưng kinh tế còn kém nên khó đáp ứng được. “Mua được một căn nhà trong tình hình việc làm bấp bênh với chúng tôi là gần như không thể” - chị Huệ tâm sự.

Thực tế, đa số người lao động đều sinh hoạt trong điều kiện chật chội, khó khăn. Những chỗ Nhà nước làm để cho công nhân thuê vẫn còn chỗ nhưng họ lại không thuê bởi vì, việc này liên quan đến thu nhập của công nhân.

Cho phép mua lại nhà ở

Để tạo điều kiện cho công nhân, người lao động có điều kiện sở hữu một căn nhà ở, mới đây ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh đề xuất nên cho phép công nhân, lao động đang thuê “nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp” được mua lại nhà ở này khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép “chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ” mà vẫn phù hợp quy hoạch.

Vị này phân tích, Nghị định 35/2022/NĐ-CP cho phép “chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ” nếu phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Như vậy, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa tiên lượng trường hợp trên. Do đó, trường hợp trong khu công nghiệp có thiết chế công đoàn bao gồm khu nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp thuê thì Hiệp hội đề nghị Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) bổ sung quy định “người thuê căn hộ này từ 5 năm trở lên được mua lại nhà ở này” khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép “chuyển đổi khu công nghiệp sang phát triển khu đô thị - dịch vụ”.

“Việc cho phép này nhằm để công nhân, lao động đang thuê nhà yên tâm, làm việc và ổn định nơi ăn chỗ ở” - ông Châu nhấn mạnh.

Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, nhu cầu nhà ở cả thuê và mua của công nhân là cấp bách nhưng còn nhiều bất cập. Do đó, cần thiết phải có quỹ để làm nhà cho công nhân thuê, để họ yên tâm làm việc, sau đó mới đến rao bán.

Kiến nghị Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tham gia xây nhà ở xã hội

Ngoài ra, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn và công nhân, lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội làm việc tại các khu công nghiệp thuê.

Cơ chế được HoREA kiến nghị là “Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn” trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có tư cách pháp nhân, có chức năng kinh doanh bất động sản, có đủ điều kiện làm chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.

Hoặc “Ban quản lý dự án thiết chế công đoàn” đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân trong khu công nghiệp, tương tự như trường hợp UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì UBND cấp tỉnh xác định chủ đầu tư theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng, quy định tại Khoản 1 Điều 82 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

CAO NGUYÊN